KHÁCH HÀNG - ĐỐI TÁC
0982858968
0919915263
Họ Trần Tỉnh Quảng Ninh Họ Trần Thành Phố Hạ Long
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
Tổng số lượt truy cập:
1
1480215
LIÊN KẾT WEBSITE
Vàng son trở lại chốn linh thiêng Thái miếu nhà Trần
(Ngày đăng 28/02/2017 - 29780 lượt xem)
Vàng son trở lại chốn linh thiêng Thái miếu nhà Trần

Dưới các triều đại phong kiến, Thái miếu là chốn linh thiêng nhất, là nơi thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc. Chính vì thế, nơi đặt Thái miếu (thường là ở quê gốc của đức Thái tổ) vẫn được coi là kinh đô thứ hai của một triều đại...

Cổng vào Thái miếu được làm theo lối tứ trụ giống với đền Kiếp Bạc (Hải Dương).
Cổng vào Thái miếu được làm theo lối tứ trụ giống với đền Kiếp Bạc (Hải Dương).

Theo các nhà nghiên cứu thì, nếu xét về quê hương, nhà Trần có ba nơi, thứ nhất là Dương trạch ở xã An Sinh (TX Đông Triều), thứ hai là Dương trạch ở xã Tức Mặc, (nay là phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), thứ ba là Âm phần ở xã Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trong ba nơi này, nơi quan trọng nhất là xã An Sinh vì ở đây có Thái miếu được phát triển qua 3 giai đoạn kiến trúc thời Trần, từ giai đoạn hình thành là Tổ miếu (nơi thờ tổ tiên), sau phát triển trở thành Thái miếu (nơi thờ hoàng tộc) của nhà Trần và 8 lăng, mộ lưu giữ hồn cốt các vua Trần...

Công trình Thái miếu đang tiếp tục được hoàn thiện.
Công trình Thái miếu đang tiếp tục được hoàn thiện.

Thái miếu (còn tên gọi khác là Đền Thái) toạ lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, bên phải con đường hành hương lên chùa Ngoạ Vân - Thánh địa Trúc Lâm, cách lăng vua Trần Hiến Tông khoảng 200m về phía đông, cách lăng vua Trần Anh Tông khoảng 500m về phía nam, cùng trong xã An Sinh. Đứng từ đền Thái nhìn về phía Nam thấy được gác chuông chùa Quỳnh Lâm, quần thể đền An Sinh thờ 8 vua Trần đặt lăng, mộ trên quê gốc cùng làng mạc và cánh đồng của nhân dân xã An Sinh. Sau các đợt khai quật khảo cổ, theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học thì đây là công trình Thái miếu có mặt bằng hình chữ Vương độc đáo, duy nhất còn nguyên vẹn hiện nay trong cả nước.

Đền Đại Vương do người dân lập tạm để thờ năm 1993.
Đền Đại Vương do người dân lập tạm để thờ năm 1993.

Trải qua các biến cố của lịch sử, trước đây, khi chưa có điều kiện nghiên cứu, khảo cổ, chẳng ai biết được tại đây là ngôi đền thờ cúng cả hoàng tộc các vua Trần đã có hơn 700 năm về trước. Song theo các cụ già ở địa phương thì từ thời phong kiến đã có lời trao truyền từ các đời trước cho đời sau biết rằng: Trên đồi Đình có ngôi đền thờ linh thiêng lắm. Người dân địa phương đã dựng ngôi đền thờ nhỏ ở chốn linh thiêng này. Năm 1993, người dân địa phương đã xây dựng lại ngôi đền nhỏ và đặt tên là “Đại Vương đền”, trong đền có đặt bài vị thờ, các cụ già cao tuổi trong thôn Trại Lốc thường xuyên hương khói thờ cúng.

Bậc lên xuống được làm bằng đá xanh chạm rồng, hai bên sẽ được nhân trồng mai vàng Yên Tử.
Bậc lên xuống được làm bằng đá xanh chạm rồng, hai bên sẽ được nhân trồng mai vàng Yên Tử.

Tháng 9-2014, TX Đông Triều phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khởi công Dự án trùng tu, tôn tạo lại Thái miếu - di tích có giá trị đặc biệt trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều với tổng mức đầu tư dự án 103,9 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá. Mùa xuân Đinh Dậu 2017, giai đoạn 1 của dự án là xây dựng đền chính và một số công trình phụ trợ hoàn thành đã làm nao nức lòng người không chỉ ở Quảng Ninh. Đền chính mặt bằng bố cục kiểu chữ Công với kết cấu khung gỗ lim, hệ đỡ hoành theo kiểu chèo, chồng rường, cột, hoa văn trạm khắc. Toàn bộ hệ vách bao che bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen theo hình dáng ngói đã được tìm thấy khi khai quật khảo cổ; đao mái, kìm nóc được chế tác theo hình dạng đã được tìm thấy, mô phỏng theo bờ đao, bờ nóc của chùa Đồng trên non thiêng Yên Tử. Cổng đền bằng đá xanh kiểu tứ trụ. Bậc lên xuống bằng đá xanh, chạm khắc rồng và vườn cây mai vàng Yên Tử được trồng 2 bên lối lên, xuống đền.

Dự án trùng tu, tôn tạo Thái miếu nhà Trần và các hạng mục công trình phụ trợ  đã được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo và phát huy giá trị chân thực của di tích; đáp ứng yêu cầu quản lý và tuân thủ quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là việc làm mang đầy ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách thập phương dâng hương, thưởng ngoạn, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các vua Trần và các bậc tiền nhân thời Trần, một triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, gây dựng hào khí Đông A chói lọi. Đồng thời, tạo điểm nhấn trong tuyến du lịch văn hoá tâm linh không riêng của Quảng Ninh, mà còn là nơi tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Xuân Quảng (CTV)