KHÁCH HÀNG - ĐỐI TÁC
0982858968
0919915263
Họ Trần Tỉnh Quảng Ninh Họ Trần Thành Phố Hạ Long
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
Tổng số lượt truy cập:
2
1437772
LIÊN KẾT WEBSITE
Lãnh đạo BCH họ Trần QN dự hội thảo khoa học về quần thể di tích đền Trần tại Đông Triều
(Ngày đăng 14/09/2014 - 2353 lượt xem)
Lãnh đạo BCH họ Trần QN dự hội thảo khoa học về quần thể di tích đền Trần tại Đông Triều


Hội thảo khoa học Giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều

Cập nhật lúc 20:16, Thứ Bảy, 13/09/2014 (GMT+7)

Chiều 13-9, tại huyện Đông Triều, UBND huyện, Sở VH, TT&DL, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Tham dự hội thảo về phía tỉnh có đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; về phía trung ương có nhiều nhà khoa học có tên tuổi của trung ương. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam và PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

KDT nhà Trần tại Đông Triều gồm có 14 điểm di tích, với hệ thống lăng tẩm của các vị vua nhà Trần, hệ thống các đền, chùa, am tháp trải rộng trên diện tích 2.206ha, thuộc địa bàn 4 xã An Sinh, Tràng An, Thuỷ An và Bình Khê. Đánh giá về quần thể di tích này, các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định lại giá trị lịch sử, văn hoá của KDT với vị thế là một trong ba trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng phân tích về vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288; sự phát triển của đạo giáo tại khu vực Đông Triều thời Trần; phân tích, đánh giá sâu về giá trị các điểm di tích cụ thể trong KDT, như: Đền Thái, Ngoạ Vân, Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, quán Ngọc Thanh...

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tham luận về vị thế của Đông Triều trong Chiến thắng Bạch Đằng 1288.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tham luận về vị thế của Đông Triều trong Chiến thắng Bạch Đằng 1288.

Cùng với những tham luận khẳng định giá trị đặc biệt của KDT nhà Trần tại Đông Triều, nhiều tham luận đã đề cập đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của KDT hiện nay. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc kết nối di sản văn hoá nhà Trần tại Đông Triều với các di sản nhà Trần khác ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh; khẳng định vai trò của KDT trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu tham luận về quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của KDT nhà Trần tại hội thảo.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu tham luận về quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của KDT nhà Trần tại hội thảo.

Đánh giá về kết quả hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh, Đông Triều là nơi tập trung nhất hệ thống lăng mộ, đền miếu thờ cúng hoàng tộc của nhà Trần. Các lăng mộ, đền miếu còn để lại mặt bằng kiến trúc tương đối nguyên vẹn và có quy mô rất lớn, qua khai quật được đánh giá rất cao về giá trị như đền Thái, Thái lăng...

Trong hệ thống các chùa chiền, am tháp cũng có rất nhiều giá trị, đặc biệt là am Ngoạ Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, viên tịch và được hoả táng, là thánh địa thiêng liêng bậc nhất ở Đông Triều. KDT nhà Trần ở Đông Triều cùng với Yên Tử trở thành 1 quần thể di sản của Thiền phát Trúc Lâm trên đất Quảng Ninh. Với 2 giá trị đó, KDT nhà Trần tại Đông Triều nổi bật về giá trị văn hoá tín ngưỡng, tâm linh. Đây là nét nổi bật so với 2 trung tâm văn hoá khác của Đại Việt lúc bây giờ là Thăng Long (Hà Nội) và Thiên Trường (Nam Định).

Nhà nghiên cứu người Nhật tham luận về sự phát triển của đạo giáo tại Đông Triều.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản tham luận về sự phát triển của đạo giáo tại Đông Triều.

Bên cạnh đó, các ý kiến trong hội thảo cũng bổ sung thêm về giá trị các di tích gắn liền với giá trị về mặt kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc của đền Thái - Thái miếu. Vì vậy, Đông Triều cũng là một trung tâm về kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của nhà Trần với các mặt bằng kiến trúc tiêu biểu, rất giá trị đời nhà Trần. Đáng chú ý nữa là ý kiến của nhà nghiên cứu người Nhật Onishi Kazuhiko về sự phát triển của đạo giáo tại Đông Triều, về việc Đông Triều có thể là nơi du nhập đạo giáo đầu tiên của Việt Nam.

Về việc bảo tồn, phát huy giá trị KDT, Giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh rằng, việc nghiên cứu cần tiến hành song song với khâu bảo tồn, để khẳng định thêm và tiếp tục nâng cao giá trị di tích. Đông Triều là trung tâm Phật giáo đời Trần, vì vậy cần coi trọng việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, gắn liền với các giá trị văn hoá vật thể của KDT nhà Trần.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam kết luận, đánh giá về kết quả hội thảo.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam kết luận, đánh giá về kết quả hội thảo.

Cùng với đó, cần đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị KDT. Khâu bảo tồn, phát huy yêu cầu phải đặc biệt nắm vững giá trị di tích; khi nghiên cứu di tích cần đặt trong không gian văn hoá vốn có của nó, trong đó cũng đặt ra vấn đề kết nối với các di tích khác có liên quan. Quảng Ninh đã quyết định lập hồ sơ Di sản Văn hoá thế giới cho quần thể di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và di tích nhà Trần tại Đông Triều, vì vậy rất cần nghiên cứu di sản trong mối quan hệ nội tại của nó với cộng đồng và với nhiều khu di tích khác nữa trong cả nước.

Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, KDT nhà Trần tại Đông Triều đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể với thời gian thực hiện đến năm 2025, có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, cơ bản từ xã hội hoá. Đây là khối lượng công việc rất lớn, triển khai thực hiện trong thời gian dài, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong điều kiện phần lớn các điểm di tích chỉ còn là phế tích. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo là hết sức cần thiết, góp phần giúp cho địa phương trong việc lập dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Sự tham gia của các nhà khoa học hôm nay là nguồn tư liệu quý, cần được quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả sử dụng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị KDT; đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá; tích cực huy động nguồn lực đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị xứng tầm với Di tích quốc gia đặc biệt của nhà Trần tại Đông Triều.

Đồng chí cũng mong rằng các cơ quan, đơn vị có liên quan, các nhà khoa học tiếp tục ủng hộ Quảng Ninh việc nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; đồng thời ủng hộ, giúp đỡ Quảng Ninh trong việc lập hồ sơ Di sản văn hoá thế giới cho quần thể di tích gồm KDT Yên Tử - KDT Nhà Trần tại Đông Triều trong sự kết nối với KDT Tây Yên Tử tại Bắc Giang thời gian tới đây.

Phan Hằng

,
.